Dòng sự kiện:
Vụ thu phí tham quan Yên Tử dưới góc nhìn của chuyên gia pháp luật
03/03/2018 21:22:32
Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng việc thu phí vào quần thể danh thắng và chùa Yên Tử là không đúng quy định pháp luật.

Mới đây, dự luận xôn xao trước sự việc tỉnh Quảng Ninh thu phí vào quần thể danh thắng và chùa Yên Tử với giá 40.000 đồng/người. Nhiều người cho rằng đây là mức giá quá cao. Nhiều năm qua, việc du khách tới tham quan, dâng lễ ở chùa Yên Tử hoàn toàn không mất phí, tại sao năm nay lại có quy định mới này?

Thứ trưởng Bộ văn hóa thể thao và du lịch bà Trịnh Thị Thủy cũng đã trả lời báo chí về vấn đề này và cho biết việc này đúng với Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc thu phí tham quan danh thắng Yên Tử.

Liên quan tới vấn đề này, Tiến sỹ Lê Hồng Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật lại có ý kiến ngược lại.

Việc thu phí ở chùa Yên Tử không được người dân ủng hộ.

Tiến sỹ Sơn cho biết, trước hết cần xác định địa bàn Yên Tử là như thế nào. Đây là địa bàn hành chính, lãnh thổ rộng quy tụ quần thể với nhiều di tích danh thắng. Nhưng cần lưu ý, ở quần thể danh thắng Yên tử còn có hệ thống thờ tự tín ngưỡng tôn giáo, Phật giáo Yên Tử. Đó là một đặc thù của Yên Tử.

Từ định nghĩa trên, Tiến sỹ Sơn phân tích, việc thu tiền một quần thể Yên Tử rộng mênh mông như vậy là không phù hợp. Người dân đi đến Yên Tử, trong tâm nguyện và mục đích là đi đến hành lễ ở các cơ sở tôn giáo. Chắc hẳn nhiều người không lên đây để ngắm cảnh núi non của Yên Tử.

Tiến Sỹ Sơn cho rằng, việc đưa ra quy định và mục đích về bán vé thu tiền là ngụy biện, bởi những cơ sở thờ tự tôn giáo là nơi có bề sâu về lịch sử như ở Yên Tử thì không có quyền bán vé thu tiền/

HĐND tỉnh Quảng Ninh ra nghị quyết bán vé thu tiền ở một không gian địa bàn hành chính như vậy, trong đó có cả hệ thống thờ tự tôn giáo, hệ thống khách hành lễ chiếm đại đa số là không bảo đảm tính hợp pháp.

Nguyên Cục trưởng của Bộ Tư pháp cho rằng, cần xem xét sự cần thiết và tính hợp pháp. Nếu chiếu theo luật di sản, phải thấy rằng, ở Yên tử kết hợp nhiều yếu tố về danh thắng và tâm linh.

"Xét về tính hợp pháp và tính hợp lý ở đây đều không đảm bảo", Tiến sĩ Sơn nêu quan điểm.

Để giải quyết vấn đề này, Tiến sỹ Sơn đưa ra đề xuất, cần phân loại địa hình, mục tiêu. Cụ thể, phân loại nơi nào là danh thắng, nơi nào là hành lễ. "Nơi hành lễ thì phải cho người dân vào hành lễ một cách tự do, theo luật là không được thu tiền. Các dịch vụ như cáp treo, vé giữ xe thì chấp nhận được và không ai phản đối nhưng khoanh cả vùng để bán vé thì không thể chấp nhận được", tiến sĩ này nói.

Trước đó, ngày 13/12/2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua nghị quyết quy định thu phí, lệ phí, trong đó có thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP Uông Bí. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, tỉnh thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em.Việc thu phí này được Quảng Ninh thực hiện lại sau 10 năm.

Sau khi việc thu phí đi vào hoạt động, nhiều du khách đã tỏ ra ngỡ ngàng và không đồng tình với việc vào đất phật phải mất tiền phí.

Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là di tích cấp quốc gia được Nhà nước công nhận năm 1974. Đến năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Khu di tích Yên Tử gắn liền với cuộc đời và tên tuổi, sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, là Trung tâm Phật giáo của Việt Nam.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến