Dòng sự kiện:
Xét nghiệm nguồn nước sạch nghi bị nhiễm Asen nặng ở KĐT Tân Tây Đô
09/11/2017 18:38:28
Trước những phản ánh, bức xúc của người dân, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại khu đô thị Tân Tây Đô.

Khu đô thị Tân Tây Đô, Tân Lập, Đan Phượng

Ngày 9/11, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại khu đô thị Tân Tây Đô. Tại buổi kiểm tra có sự tham dự của ông Khổng Minh Tuấn - PGĐ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội; Đại diện BQT chung cư tòa nhà HHB – KĐT Tân Tây Đô; Ông Hà Hữu Thư – GĐ Công ty CP đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam (đơn vị cung cấp nước sạch cho người dân khu đô thị Tân Tây Đô).

Theo kết luận thực tế kiểm tra trạm cấp nước: Mặt bằng trạm cấp nước còn nhiều cạn sắt, rêu, thành bể lọc có hiện tượng rò rỉ. Một số vật liệu để ngoài trời sắp xếp chưa gọn. Ngoài ra, kho hóa chất Clorin đảm bảo tem nhãn phụ, đăng ký lưu hành Phèn dắt chưa có tem nhãn phụ về Tiếng Việt. Ngoài ra, đơn vị báo cáo là không sử dụng Javel, thuốc tím trong xử lý nước nhưng vẫn để trong kho hóa chất.


Hệ thống xử lý nước cung cấp cho cư dân khu đô thị Tân Tây Đô

Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành lấy mẫu nước thành phẩm tại trạm cấp nước Tân Tây Đô, xét nghiệm chỉ tiêu giám sát mức độ A (15 chỉ tiêu) và 2 chỉ tiêu Asen, Amoni. Sau khi có kết quả xét nghiệm Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội sẽ có báo cáo, thông báo đến cơ quan chức năng và đơn vị cung cấp nước, đơn vị có liên quan.

Trao đổi với PV, ông Khổng Minh Tuấn - PGĐ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho hay, sáng nay đoàn đã xuống kiểm tra và lấy mẫu về kiểm tra. Thực chất khu vực này, nguồn nước không được ổn định có một vài thời điểm chỉ tiêu về Asen đã từng tăng lên.

“Chúng tôi cũng đã báo cáo các đơn vị Sở Y tế, Sở xây dựng Hà Nội. Tuy nhiên việc này cũng khó vì thực chất công nghệ của mình cũng chưa có nhiều, so với những năm trước ngưỡng còn cao hơn. Việc xét nghiệm mẫu nước phải mất 1 tuần mới có kết quả, lúc đó sẽ cung cấp thông tin cho các bên liên quan”, ông Tuấn nói.

Biên bản làm việc của đoàn kiểm tra

Một số lượng hóa chất trong kho 

Trước đó, đại diện cho hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại chung cư HHB - khu đô thị Tân Tây Đô, BQT chung cư HHB đã làm công văn gửi đến Cục quản lý môi trường – Bộ y tế; Sở y tế Hà Nội; Sở khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội; Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội... về việc “Xem xét chất lượng nước sạch nhiễm asen và việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nước”.

Cụ thể: Cư dân tại Khu đô thị Tân Tây Đô, huyện Đan Phượng; Khu đô thị Tân Việt, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội nói chung và cư dân tòa nhà chung cư HHB nói riêng đang sử dụng nước tại Nhà máy do Chủ đầu tư cấp 1 là Công ty CP xây dựng và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh đầu tư và Công ty CP Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam là đơn vị quản lý vận hành để sản xuất nước bán cho các bên liên quan để cung cấp cho người dân.

Từ tháng 4/2015 đến nay, khi cư dân các Tòa nhà CT2A, CT2B, HHB mua căn hộ từ chủ đầu tư thứ cấp là Công ty CP Đầu tư Hải Phát chuyển về sinh sống đã được Công ty CP Đầu tư Hải Phát (sau đây gọi tắt là Chủ đầu tư Hải Phát) mua nước để bán lại cho cư dân.

Hiện nay, Chủ đầu tư Hải Phát đã tuyên bố không thực hiện mua nước nước sạch để bán lại cho dân và từng hộ dân phải tự đi làm việc với Công ty CP Đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam để ký trực tiếp hợp đồng mua bán nước.

Quá trình làm việc trên, Ban Quản trị Tòa nhà chung cư phát hiện một số tài liệu xác định chất lượng nước do Công ty CP đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam sản xuất và Công ty CP đầu tư Hải Phát bán cho dân từ năm 2015 đến nay đều không đảm bảo chất lượng và quá nguy hiểm, có thể nói là nguồn nước với công nghệ xử lý nước khá lạ của họ, cư dân chúng tôi đã bị đầu độc nghiêm trọng.

Vào thời điểm ngày 26/10/2015, Công ty CP đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam gửi văn bản số: 08/2015/CV-MTVN đến cư dân các Khu đô thị mới Tân Tây Đô và Khu đô thị Tân Việt khẳng định asen trong nước trước đó vượt “chuẩn” 4 đến 5 lần và sau khi khắc phục thì tại thời điểm tháng 10/2015 sau khi đã xử lý đã “trở về” với kết quả vẫn là từ:  0,07mg/l  đến 0,012 mg/l.

Văn bản thời điểm năm 2015 của Công ty CP đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam

Tuy nhiên, theo Thông tư 04/2009/TT-BYT của Bộ Y tế thì giới hạn tối đa cho phép hàm lượng asen trong nước sinh hoạt là: 0,01mg/l dường như có vẻ hơi thấp so với kết quả công bố được coi là an toàn cũng ở ngưỡng gấp từ 7 đến 12 lần.

Tiêu chí về hàm lượng asen của Bộ y tế

“Với những số liệu bất thường trên, hiện cư dân rất bất an và hoảng loạn về chất lượng nước mình sinh hoạt mà mình đã sử dụng trong suốt mấy năm qua. Không rõ đến thời điểm này sức khỏe của khoảng 10.000 cư dân mua nước của nhà máy sản xuất nước và Công ty CP đầu tư Hải Phát mua để kinh doanh lại đã ra sao, và chất lượng nước bất thường như đã nêu trên với tỷ lệ asen cao và lượng hóa chất độc hại đưa vào nước bất thường như vậy thì nguy cơ bệnh tật thế nào? Có thể dẫn đến suy kiệt giống nòi chăng, vì đây là khu cư dân mới với đa số các hộ gia đình đều có từ 1 đến 2 trẻ em…

Để nghị Quý cơ quan vào cuộc xem xét, kiểm tra và xử lý dứt điểm để cư dân chúng tôi an tâm sử dụng nước sinh hoạt và sớm ổn định lại cuộc sống”, trích văn bản gửi sở ban ngành của BQT Tân Tây đô.

PV

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến