Dòng sự kiện:
10 phim nổi bật về bóng đá trên màn ảnh thế giới
24/06/2018 11:39:14
"United" tái hiện hành trình vượt nghịch cảnh của CLB Manchester United, "Đội bóng Thiếu lâm" nhiều hài hước còn "Escape to Victory" có sự góp mặt của Pelé.

United (2011)

Năm 2011, đạo diễn James Strong và biên kịch Chris Chibnall thực hiện tác phẩm United, kể về hành trình vượt nghịch cảnh của câu lạc bộ Manchester United vào thập niên 1950. Từ năm 1956, huấn luyện viên Matt Busby phát triển một thế hệ cầu thủ trẻ ở Manchester United và bắt đầu gặt hái thành công. Tuy nhiên, trên hành trình bay về sau một trận đấu năm 1958, máy bay của đội bị rơi khiến nhiều cầu thủ thiệt mạng.

Những người còn sống, trong đó có Busby và cầu thủ trẻ Bobby Charlton, tái thiết lại đội bóng. Một thập niên sau đó, vào năm 1968, Manchester United trở thành nhà vô địch châu Âu. Hầu hết giới phê bình dành lời khen cho bộ phim.

The Damned United (2009)

Phim của đạo diễn Tom Hooper pha trộn nhuần nhuyễn yếu tố tâm lý và thể thao. Câu chuyện xoay quanh chuỗi ngày "thảm họa" của huấn luyện viên kỳ cựu Brian Clough ở câu lạc bộ Leeds United. Trước đó, Clough (Michael Sheen đóng) huấn luyện đội Derby County và nhiều lần chỉ trích lối đá thô bạo của Leeds. Tuy nhiên, năm 1974, ông lại đến dẫn dắt Leeds. Không thể quản lý được các ngôi sao của đội này, Clough liên tiếp đạt kết quả không như ý và bị sa thải chỉ sau 44 ngày.

Tác phẩm đi sâu khai thác chân dung Brian Clough - một huấn luyện viên tài ba, tự tin và có lối trả lời phỏng vấn táo bạo. Ngoài ra, phim kể về tình bạn của ông với huấn luyện viên phó Peter Taylor (Timothy Spall đóng), đồng thời phản ánh cuộc sống của giới cầu thủ. Khi cầu thủ không ưa thích một huấn luyện viên, họ dễ dàng lật đổ ông ta, giống câu nói của huấn luyện viên Đặng Trần Chỉnh: "Ghế HLV có bốn chân, cầu thủ giữ hết ba chân".

Looking for Eric (2009)

Ken Loach là nhà làm phim độc lập nổi tiếng của Anh, từng đoạt giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim Cannes năm 2016 với I, Daniel Blake. Năm 2009, ông đạo diễn tác phẩm Looking for Eric với nhân vật chính là Eric Bishop (Steve Evets đóng) - một người giao thư mê bóng đá ở Manchester (Anh). Do nhiều áp lực trong cuộc sống, ông nghĩ đến chuyện tự tử. Tuy nhiên, sau khi hút cần sa, Bishop thấy ảo ảnh của Eric Cantona - cựu ngôi sao đội Manchester United - đưa ra lời khuyên cho ông.

Looking for Eric khắc họa ảnh hưởng của bóng đá và những siêu sao lên những người hâm mộ. Phim tranh giải chính thức ở Liên hoan phim Cannes 2009. Cantona đóng vai chính mình trong phim này và được khen ngợi. Sau khi kết thúc sự nghiệp chơi bóng vào năm 1997, danh thủ theo đuổi phim ảnh và kịch nghệ, đạt được một số thành công.

Zidane: A 21st Century Portrait (2006)

Phim tài liệu của đạo diễn Douglas Gordon và Philippe Parreno thể hiện chân dung cựu siêu sao người Pháp - Zinedine Zidane - qua phương thức độc đáo. Trong trận đấu giữa hai câu lạc bộ Real Madrid (đội của Zidane) và Villarreal vào ngày 23/4/2005, các nhà làm phim dùng 17 camera để ghi hình anh từ mọi góc độ. Qua đó, lối chơi, từng cử chỉ của Zidane trên sân đều được ghi lại. Một số hình ảnh về tình hình thế giới được đưa vào giữa phim.

Trong cả trận, Zidane giữ phong cách thi đấu uyển chuyển nhưng đến cuối, anh bất ngờ bị một thẻ đỏ do xô xát, bộc lộ một khía cạnh khác của siêu sao. Nhiều khán giả chỉ ra sự tương đồng của phim tài liệu với trận chung kết World Cup 2006, khi Zidane bị đuổi do đánh nguội cầu thủ Marco Materazzi của Italy.

Offside (2006)

Năm 2006, tác phẩm Offside của đạo diễn Iran - Jafar Panahi - giành giải Gấu Bạc ở Liên hoan phim Berlin (Đức). Panahi đồng thời là biên kịch và viết kịch bản dựa trên câu chuyện của con gái ông. Phim thuật lại chuyện nhiều cô gái lẻn vào sân vận động để xem trận đấu sơ loại World Cup giữa Iran và Bahrain. Tuy nhiên, chính phủ cấm tuyệt đối điều này và một số cô gái lẻn vào đều bị bắt.

Phim phản ánh sự hà khắc và phân biệt chủng tộc của chính quyền Iran. Tuy nhiên, đến cuối phim, khi Iran thắng 1-0, các binh sĩ canh giữ cùng các cô gái vỡ òa trong niềm vui. Panahi ghi hình tác phẩm tại một trận đấu thật sự của đội tuyển Iran. Offside bị chính phủ Iran cấm chiếu do nội dung nhạy cảm. Trong nhiều năm sau đó, đạo diễn tiếp tục thực hiện các phim phản ánh hiện thực xã hội và cuối cùng bị giam lỏng.

The Miracle of Bern (2003)

Tác phẩm của Sönke Wortmann lồng ghép hai câu chuyện tưởng chừng không liên quan để phản ánh thông điệp về "phép màu". Trong Thế chiến thứ hai, người đàn ông Đức tên Richard (Peter Lohmeyer đóng) bị quân Nga bắt và chỉ được thả về vào năm 1954. Lúc này, gia đình ông xáo trộn với nhiều tư tưởng ngoại lai, đối chọi với quan điểm của Richard. Ông và con trai út đến Bern (Thụy Sĩ) để xem trận chung kết World Cup giữa Tây Đức và Hungary - đội tuyển được xem là mạnh nhất thế giới bấy giờ. Trước đó, khi gặp nhau ở vòng bảng, Hungary đè bẹp Tây Đức với tỷ số 8-3.

Khi trận đấu mới đến phút thứ 8, Hungary đã dẫn trước hai bàn . Tuy nhiên, người Đức lội ngược dòng ngoạn mục và thắng 3-2. Chiến thắng bất ngờ của Đức được xem như "phép màu", giúp cả dân tộc tự tin sau nhiều năm sống trong nỗi nhục bại trận. Phim điện ảnh do Sönke Wortmann đạo diễn thu hút đến sáu triệu người xem ở Đức vào năm 2003, thuộc hàng ăn khách nhất năm.

Bend It Like Beckham (2002)

Câu chuyện xoay quanh Jess (Parminder Nagra đóng) - một cô gái người Anh gốc Ấn Độ 18 tuổi đam mê chơi bóng nhưng gia đình không cho phép. Một ngày nọ, nữ cầu thủ Jules (Keira Knightley đóng) nhận ra tài năng của Jess và mời cô vào đội bóng địa phương. Gia đình của Jess phát hiện và mọi chuyện trở nên phức tạp. Mượn câu chuyện bóng đá, tác phẩm phản ánh định kiến xã hội và đề cao nữ quyền.

Bend It Like Beckham được giới phê bình khen ngợi và trở thành bệ phóng cho sự nghiệp của hai sao nữ Parminder Nagra và Keira Knightley. Cựu danh thủ David Beckham không phải nhân vật chính trong tác phẩm có tên anh. Thay vào đó, ttên phim nhắc đến cú sút phạt đưa bóng đi theo đường cong của Beckham. "Ai cũng có thể nấu món aloo gobi. Nhưng ai có thể bẻ cong quỹ đạo bóng như Beckham?", một nhân vật nói trong phim.

Đội bóng Thiếu Lâm (2001)

Đội bóng Thiếu Lâm (Shaolin Soccer) là một trong các phim của Châu Tinh Trì được khán giả Việt Nam yêu thích nhất. Tác phẩm lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh Tsubasa của Nhật Bản, hài hước và kịch tính hóa bóng đá bằng cách cho các cầu thủ thi triển võ thuật ngay trên sân.

Tinh (Châu Tinh Trì đóng) cùng một số võ sư Thiếu Lâm tham gia một đội bóng do cầu thủ hết thời Minh Phong (Ngô Mạnh Đạt đóng) huấn luyện. Họ liên tiếp phải đương đầu với các đối thủ xấu chơi hoặc có kỹ năng đặc biệt. Phim tràn ngập các pha bóng tưởng tượng và đẹp mắt theo kiểu võ hiệp. Triệu Vi thủ vai A Mai - một cô gái bán thức ăn với tuyệt kỹ Thái Cực Quyền.

Escape to Victory (1981)

Tác phẩm của đạo diễn John Huston được nhiều fan yêu thích vì là phim điện ảnh hiếm hoi quy tụ dàn sao bóng đá đình đám, trong đó có Pelé (đội Brazil), Bobby Moore (Anh) và Osvaldo Ardiles (Argentina). Câu chuyện lấy bối cảnh một nhà giam vào Thế chiến thứ hai, nơi một nhóm tù binh phe Đồng minh phải tham gia một trận bóng với các binh sĩ Đức.

Phía Đức muốn thị uy sức mạnh bằng chiến thắng, còn các tù binh lên kế hoạch đào tẩu. Khi vào trận, đội tù binh nhất quyết không chịu thua dù trọng tài liên tục xử ép họ. Phim có đoạn kết giàu cảm xúc, nêu cao tinh thần bất khuất của con người. Sylvester Stallone thủ vai Robert Hatch - thủ môn của đội Đồng minh. Ở Mỹ, tác phẩm được phát hành với tên Victory.

Two Half Times in Hell (1962)

Tác phẩm Hungary (còn có tên The Last Goal) là cảm hứng cho phim Escape to Victory. Năm 1944, các sĩ quan Đức quốc xã tổ chức một trận bóng mừng sinh nhật Hitler, trong đó lính Đức sẽ đấu với những người Hungary đang phục dịch. Ónódi (Imre Sinkovits đóng) - cầu thủ Hungary nổi tiếng - được giao nhiệm vụ tổ chức đội bóng. Khi kết thúc hiệp 1, đội Đức dẫn 3-1 và đội Hungary được thông báo sẽ được tha mạng nếu thua trận. Tuy nhiên, họ nỗ lực thi đấu trong hiệp 2 và thắng ngược 4-3 trước khi bị người Đức xử tử.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến