Báo cáo thị trường lao động thất vọng, cổ phiếu Mỹ đồng loạt bật mạnh
03/10/2015 09:06:59
ANTT.VN - Thị trường lao động không tốt như kỳ vọng trước đó đã làm dấy lên những nghi ngại rằng FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay, khiến đồng USD yếu đi, thúc đẩy cổ phiếu công nghiệp và hàng hóa cơ bản tăng mạnh trên thị trường Mỹ phiên giao dịch hôm qua.

Tin liên quan

Chứng khoán Mỹ trong ngày giao dịch hôm qua ghi nhận phiên đảo chiều tăng điểm mạnh nhất trong 4 năm qua sau khi đã giảm tới 1,5% đầu phiên. Đồng USD yếu đã khuyến khích cổ phiếu hàng hóa cơ bản tăng mạnh, trong bối cảnh thị trường cho rằng FED sẽ không thay đổi lãi suất trong năm nay sau báo cáo thị trường lao động gây thất vọng ngày hôm qua.

Chỉ số S&P500 bật 1,4% sau khi đã mất 1,6% trước đó, mức đảo chiều lớn nhất từ tháng 10/2011. Cổ phiếu các nhóm ngành năng lượng và nguyên liệu thô tăng mạnh, trong khi dầu và vàng đều hồi phục. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm xuống dưới 2% lần đầu tiên kể từ tháng 8 với việc đồng USD xuống đáy 2 tuần qua.

Báo cáo thị trường lao động gây thất vọng ngày hôm qua của Bộ Lao Động Mỹ đã dấy lên những đồn đoán rằng thời kỳ lãi suất ‘0%’ sẽ được kéo dài cho tới năm sau, mặc dù FED từ nay tới cuối năm còn hai cuộc họp nữa để quyết định có tăng lãi suất hay không.

Theo một khảo sát của Bloomberg, số chuyên gia cho rằng FED sẽ tăng lãi suất trước cuối năm đã giảm xuống 34% so với 46% trước báo cáo ngày hôm qua, và 60% trong một tháng trước.

Tỉ lệ chuyên gia cho rằng FED sẽ tăng lãi suất trước cuối năm liên tục giảm.

Cổ phiếu

Chỉ số S&P 500 đảo chiều tăng 1,4% sau khi trượt 1,6% đầu phiên. Down Jones Industrial Average bật mạnh 1,2% sau khi đã giảm 258 điểm trước đó với sự dẫn dắt của cổ phiếu nhóm ngành công nghiệp. Pfizer Inc và Chevron Corp tăng tới hơn 3,9%, trong khi cổ phiếu hãng máy công nghiệp khổng lồ Caterpillar tăng 1,9%.

S&P 500 đã tăng bốn ngày liên tiếp, chuỗi tăng điểm dài nhất kể từ tháng 7. Kết thúc tuần giao dịch này, S&P 500 đã lấy lại được 1% sau khi mất 2,6% trong phiên điều chỉnh hôm thứ 2.

Hàng hóa cơ bản

Chỉ số Bloomberg Commodity Index bật 0,9% cùng giá dầu thô sau khi số liệu cho thấy các công ty dầu mỏ ở Mỹ đã giảm số lượng dàn khoan tới mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Dầu ngọt nhẹ WTI giao sau tăng 1,8% lên 45,54$/ thùng. Baker Hughes Inc cho biết số dàn khoan dầu đã giảm 26 xuống còn 614 chiếc ở Mỹ, dấy lên những nghi ngờ rằng sản lượng sẽ theo đó giảm.

Vàng giao sau cũng đã đảo chiều tăng điểm lần đầu tiên trong 6 phiên giao dịch qua, thêm 2,1% lên mức 1136,60 USD/ Oz. Bạc hồi phục mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, trong khi Platinum và Palladium đều tăng nhẹ trên sàn New York.

Cổ phiếu nhiên liệu đảo chiều tăng điểm với lo ngại sản lượng ở Mỹ sẽ giảm.

Tiền

Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, theo dõi 10 đồng tiền mạnh trên thế giới, đã giảm 0,3% xuống mức thấp nhất kể từ 21/9. USD rớt 0,1% xuống mức 1,12045 Euro/ 1 USD sau khi đã rơi tự do tới 1% trước đó.

Đồng USD đã liên tục mạnh lên kể từ đầu năm dựa trên những dầu hiệu cho rằng thị trường lao động khởi sắc cùng nền kinh tế đang hồi phục của Mỹ có thể thúc đẩy FED tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua.

Thị trường mới nổi

Chỉ số MSCI Emerging Markets Index giành cho các thị trường mới nổi đã tăng phiên thứ ba liên tiếp, thêm 1,1% lên tổng cộng 2,1% trong tuần qua. Trong khi đó thị trường chứng khoán khu vực này đã giảm gần 1/5 giá trị trong quý III, mức giảm lớn nhất từ năm 2011, trong bối cảnh những lo ngại về nền kinh tế chậm chạp của Trung Quốc ngày một lan rộng.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bốc hơi gần 5000 tỷ USD giá trị kể từ đỉnh tháng 6. Bắc Kinh đã và đang kết hợp một loạt biện pháp nhằm ngăn đà lao dốc này. Bao gồm liên tiếp phá giá Nhân dân tệ hồi đầu tháng 8, cắt lãi suất lần thứ 5 kể từ tháng 11 năm ngoái, hay huy động các công ty nhà nước mua vào nhằm neo giá cổ phiếu.

Nghi Điền (Theo Bloomberg)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến