Dòng sự kiện:
'Đất vàng' Hãng phim truyện Việt Nam: Vật hồi cố chủ
30/03/2020 15:47:40
Theo kết luận mới nhất của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phải thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) cho Vivaso.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó yêu cầu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).

Theo kết luận thanh tra, việc xây dựng phương án sử dụng đất tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP. Hồ Chí Minh và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai.

Theo đó, 2 lô đất 5.443m2 tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, và 1.208m2 đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM sẽ được trả về cho VFS tiếp tục sử dụng.

Bên cạnh đó, các lô đất khác 904m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám (TP Hà Nội) và 6.382m2 đất ở Đông Anh (TP Hà Nội) cũng sẽ quay về với chủ cũ VFS.

Khu 'đất vàng' của Hãng phim truyền hình Việt Nam tại Hà Nội

Những lùm xùm xung quanh chuyện cổ phần hóa VFS cũng không còn mới. Bên cạnh đó, ý định thâu tóm "đất vàng" của hãng phim có thể thấy được ngay từ khi Vivaso mua lại đơn vị này. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam tìm nhà đầu tư chiến lược cho quá trình cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại 65% cổ phần VFS (32,5 tỷ đồng) hồi tháng 6.

Theo tìm hiểu của PV, phía sau Vivaso là Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông. Đơn vị này sở hữu 77,1% vốn tại Vivaso. Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT của Vivaso là người nắm giữ tới 98,87% vốn điều lệ Vạn Cường, đồng thời ông cũng là Tổng giám đốc của công ty này.

Việc Công ty Vạn Cường tiến hành thâu tóm Vivaso, thông qua công ty này sở hữu 65% VFS đã đặt ra câu hỏi lớn về mục tiêu kinh doanh, bởi hai đơn vị được thâu tóm có hoạt động không mấy liên quan. Tuy nhiên, điểm chung duy nhất của 2 doanh nghiệp trên là quá trình cổ phần hóa không thành công, nhưng lại đang nắm giữ nhiều lô đất “vàng” tại Hà Nội và TP.HCM, ước tính giá trị thị trường lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Còn Vivaso không chỉ là một tổng công ty vận tải đường thủy, công ty này đang quản lý sử dụng nhiều khu đất có giá trị lớn ở miền Bắc với tổng diện tích là 50ha. Trong số đó có các vị trí giá trị lớn như ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), hoặc các khu nhà xưởng, mặt bằng cũng ở vị trí đẹp như phường Tân Ấp (quận Ba Đình); phố Kim Mã, Láng Hạ, Thanh Xuân, Đội Cấn (Hà Nội)…

Riêng đối với VFS, đơn vị này cũng đang được quyền thuê và sử dụng 4 lô “đất vàng” tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, ở Hà Nội có 3 lô: 5.443,5 m2 đất tại số 4 Thụy Khuê; 904,9 m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám; 6.382,8 m2 đất ở Đông Anh tức trường quay Cổ Loa và một lô đất 1.208,72 m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TPHCM.

Theo tìm hiểu, giá đất ở tại mặt đường Thụy Khuê được UBND. TP Hà Nội quy định là 46 triệu/m2, nhưng thực tế có thời điểm giao dịch đã lên đến 250 triệu đồng/m2. Còn đất mặt phố Hoàng Hoa Thám hiện nay, mỗi mét vuông đất có giá khoảng 120-130 triệu/m2, khu đất tại Đông Anh của VFS có thị giá tối thiểu 160 tỷ đồng.

Như vậy nếu chỉ cho thuê mặt bằng chủ sở hữu đã "hái" ra tiền tỷ mỗi năm, chưa kể một vài năm sau khi được phép chuyển đổi công năng sử dụng, nơi đây trở thành nhà hàng, khách sạn, căn hộ cao cấp thì những lô đất này chẳng khác nào "những con gà đẻ trứng vàng".

"Đất vàng" VFS sẽ về với chủ cũ

Bên cạnh quyết định trả đất cho VFS, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch căn cứ Kết luận thanh tra số 1412 ngày 23/8/2018 của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 277 ngày 2/8/2019 của Văn phòng Chính phủ thực hiện các quy trình, thủ tục để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Trong đó, làm việc với Tổng công ty Vận tải thuỷ (nhà đầu tư) để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, trường hợp Tổng công ty Vận tải thuỷ không chấp hành thì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện kết luận thanh tra.

Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10883/VPCP ngày 28/11/2019 của Văn phòng Chính phủ về số tiền để hoàn trả cho nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ kiểm tra, hướng dẫn Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 277/TB-VPCP ngày 2/8/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Thu Trang (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến