Dòng sự kiện:
Người đàn ông 'thay áo' cho ngõ phố và tình yêu với cô gái mang tên... Hà Nội
11/08/2017 07:45:57
Ở tuổi 69, cựu binh Mỹ Paul George Harding vẫn hàng ngày cùng các học trò lớp Tiếng Anh của mình xuống đường cạo sạch biển quảng cáo, rao vặt, sơn lại những bức tường đã cũ, làm sạch các con ngõ ở Hà Nội.

Người đàn ông "thay áo mới" cho ngõ phố Hà Nội không chỉ mong muốn chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ mà còn muốn là được nhiều điều hơn nữa.

Hai năm rưỡi sinh sống ở Việt Nam, Paul đã xây dựng được một ngôi trường dạy Tiếng Anh. Đến nay, lớp học đã có 450 người, từ trẻ em, sinh viên, người đi làm, bậc hưu trí... Trước đó, lớp học bắt đầu chỉ có 6 người, chủ yếu là con em các gia đình hàng xóm cạnh căn nhà mà ông thuê trên phố Nguyễn Ngọc Vũ. Và rồi con số ấy cứ lớn dần lớn dần, 12 người, 24 người, 69 người rồi

Chị Nguyễn Thị Huyền (cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân – trợ giảng lớp dạy tiếng Anh) kể: “Lần đầu tiên tôi gặp thầy là ở một quán ăn nhỏ ven đường. Thầy trò chuyện với tôi về mong muốn mở một lớp dạy Tiếng Anh miễn phí cho người Việt. Tôi thấy có rất nhiều người Việt muốn học tiếng Anh mà không đủ chi phí cho một khoá học với người nước ngoài. Thấy dự án này sẽ giúp đỡ được nhiều người nên tôi quyết định tham gia”.

Ban đầu, ông Paul thuê một căn nhà nhỏ tại ngõ 219 Nguyễn Ngọc Vũ với ý định làm lớp học. Nhưng do lượng học viên tăng lên quá nhanh, căn nhà không đủ sức chứa nên phải chuyển đến một địa điểm khác. Hiện nơi dạy cũng là nơi sinh sống và làm việc của ông Paul, chị Huyền và 2 tình nguyện viên Mỹ (trong đó có con gái ông Paul).

Tại lớp học tiếng Anh của ông Paul, các học viên chủ yếu được rèn kỹ năng nghe nói, phát âm tiếng Anh như người bản xứ. Bài giảng của Paul xoay quanh nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhưng phần lớn liên quan đến lịch sử Việt Nam. Paul mong muốn việc dạy tiếng Anh bằng lịch sử sẽ giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng của những yếu tố lịch sử và đương thời, gìn giữ ký ức về những anh hùng cách mạng đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của nước nhà.

Khi được hỏi từ đâu mà ông có ý tưởng xuống đường gỡ bỏ những quảng cáo, rao vặt và sơn lại những bức tường cũ, ông chia sẻ: “Tôi đọc được thông tin trên một bài báo nói rằng các nhà chức trách ở Việt Nam đang muốn xóa sạch những quảng cáo rao vặt sai quy định ở các ngõ, phố Hà Nội. Tôi muốn chung tay giúp sức để trả lại vẻ đẹp cho Thủ đô. Ban đầu, chỉ có tôi và một người bạn Việt Nam. Sau đó, tôi kêu gọi thêm các bạn học viên trong lớp Tiếng Anh miễn phí. Họ đều nhiệt tình, sẵn sàng tham gia”.

Với bộ quần áo lấm lem sơn, ông Paul miệt mài, cặm cụi làm sạch những bức tường.

Chúng tôi theo chân ông len lỏi vào các ngõ ngách, cẩn thận và chăm chú đánh dấu từng khu vực cần làm sạch. Với bộ quần áo lấm lem sơn, ông cặm cụi cạo từng lớp vôi, vữa mục nát. Những giọt mồ hôi lăn dài nhưng không thể dập tắt được nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt người đàn ông này. Thỉnh thoảng ông không quên pha trò cho các thành viên trong nhóm. Giờ nghỉ giải lao, Paul thường xuyên động viên các em học viên bằng những câu chuyện ý nghĩa và nhân văn.

“Công việc này khá vất vả, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng có lẽ thầy Paul đã truyền lửa khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi không bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc", anh Tiến (tình nguyện viên lớp tiếng Anh) cười nói.

Bác Nguyễn Phú Hữu (cựu giảng viên trường Đại học Thái Nguyên) năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn thường đồng hành cùng ông Paul trên từng con ngõ nhỏ cho biết: “Biết đến hoạt động của ông Paul, tôi rất ngưỡng mộ. Bây giờ tìm kiếm được hành động đẹp, ý nghĩa như vậy thực không dễ dàng. Tôi mong muốn chiến dịch này được nhân rộng để trả lại vẻ đẹp cho những con phố Hà Nội”.

Sau gần 3 tháng, những bức tường trên các con phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân đã được thay áo mới. Nhìn những bức tường sạch bong đôi mắt ông Paul ánh lên niềm vui, tự hào.

“Tất cả mọi người đều dành cho chúng tôi tình cảm trân trọng. Họ bắt tay, nở nụ cười và khuyến khích chúng tôi. Thậm chí, nhiều người còn mời chúng tôi uống nước, ăn hoa quả”, Paul hào hứng.

Ban đầu trở lại Việt Nam chỉ với mong muốn chuộc lại lỗi lầm trong quá khứ, nhưng sau 2 năm rưỡi gắn bó trong thẳm sâu trái tim người cựu binh Mỹ đã nảy sinh tình yêu một cách rất tự nhiên với Hà Nội và với Việt Nam: “Hà Nội như một cô bạn gái rất tệ, tuy có nhiều tính xấu nhưng cô ấy lại rất hấp dẫn, cuốn hút, xinh đẹp và duyên dáng khiến mình không thể nào rời xa được”, Paul dí dỏm.

Điều mà ông yêu nhất ở Hà Nội là tinh thần hiếu học của những con người nơi đây. Từ người già đến trẻ em, từ sinh viên đến người đi làm, họ đều trân trọng việc học tập. Paul không có ý định đến một nơi nào khác nữa ngoài Việt Nam. Ông muốn gắn bó, cống hiến quãng đời còn lại cho nơi đây.

Chia sẻ về những dự định tương lai, trước hết ông muốn dùng hành động của mình để người dân nhận thức được rằng khu phố nơi họ sinh sống có thể đẹp như thế, gắn kết người dân với tính cộng đồng để từ đó làm bước đệm thực hiện một dự án lớn hơn là tái chế rác thải.

Bởi vì, mỗi năm ở Hà Nội có hàng trăm tấn rác thải thực phẩm đổ xuống bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí. Theo ông nghiên cứu, rác thải thực phẩm có thể tận dụng làm phân bón và chăn nuôi nên ông muốn thu thập chúng từ các hộ gia đình và chuyển đến vùng nông thôn tái sử dụng.

Paul chia tay chúng tôi bằng nụ cười hiền, cái bắt tay ấm áp và ánh mắt lấp lánh rồi ông lại tiếp tục cặm cụi dù trời đã ngả về chiều.

Mạnh Long - Dương Nga

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến