Dòng sự kiện:
Thanh Hóa gỡ khó cho các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68
11/08/2021 18:41:12
Nhằm sớm hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các bước để chi trả tiền.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, có 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 bao gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ; chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; chính sách hỗ trợ tiền ăn; hỗ trợ một lần; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất...

Tại Thanh Hóa, vừa qua, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn về các chính sách trên cho những người là chủ tịch (hoặc phó chủ tịch) LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố; các công đoàn ngành và tương đương, các công đoàn cơ sở trực thuộc.

Hội nghị tập huấn chính sách cho các cấp công đoàn ở Thanh Hóa

Các cấp công đoàn phải chủ động tuyên truyền, phổ biến để NLĐ hiểu rõ về 12 chính sách hỗ trợ trên; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động làm tốt công tác tổ chức thực hiện tại cơ sở; nắm vững nguyên tắc, quy trình, thủ tục đề nghị hỗ trợ theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, không bỏ sót, đúng đối tượng và kịp thời.

Theo Nghị quyết 68, hướng dẫn viên là nhóm đối tượng nằm trong 12 nhóm chính sách sẽ được nhận hỗ trợ.

Ghi nhận tại Thanh Hóa, rào cản lớn nhất để nhóm này tiếp cận gói hỗ trợ là phần lớn hướng dẫn viên làm tự do, hợp đồng thời vụ và hợp đồng theo tour. Không những vậy, họ không là thành viên của bất kỳ tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn viên.

Ông Lê Sỹ Tâm, Phó Chủ nhiệm một câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch tại Thanh Hóa, cho biết, đại đa số hướng dẫn viên không đủ điều kiện trợ cấp hầu hết là dạng tự do. Hướng dẫn viên tự do thì không có hợp đồng lao động. Nhiều người cũng không là thành viên của Hiệp hội du lịch Việt Nam. Thực trạng này không chỉ riêng Thanh Hóa mà ở hầu hết các tỉnh trong cả nước.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Thanh Hóa cho biết, đối tượng ngoài có thẻ hành nghề hướng dẫn viên, thì chỉ cần có một trong 2 điều kiện là có hợp đồng với công ty hoặc có thẻ hội viên Hiệp hội du lịch Việt Nam.

"Thực tế, đa số hướng dẫn viên làm tự do, nhiều người cũng không tham gia hiệp hội. Như vậy, nếu căn cứ vào điều kiện trên thì đại đa số không đủ điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ", bà Nguyệt nói.

Để các hướng dẫn viên không thiệt thòi, Sở VH-TT&DL đã tìm hướng tháo gỡ bằng cách tuyên truyền, động viên để hướng dẫn viên tham gia là thành viên của Hiệp hội du lịch.

Trong thời điểm dịch bệnh, để họ ký hợp đồng với một đơn vị nào đó lâu dài thì khó. Phương án duy nhất là họ phải tham gia vào hiệp hội. Do gói hỗ trợ kéo dài đến đầu năm sau nên các hướng dẫn viên vẫn sẽ có cơ hội để tiếp cận", bà Nguyễn Thị Nguyệt khẳng định.

Trong trường hợp hướng dẫn viên không tham gia hiệp hội thì Sở sẽ hướng dẫn họ làm thủ tục để nhận trợ cấp theo dạng lao động tự do. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ được địa phương cân đối ngân sách hỗ trợ và hiện Sở LĐ-TB&XH đang lên phương án dự thảo.

Theo bà Nguyệt, hiện đã có 6 hồ sơ được duyệt đủ điều kiện nhận hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có 3 hồ sơ đã được tỉnh ra quyết định hỗ trợ với kinh phí 11.130.000 đồng.

Trên địa bàn tỉnh có tổng 229 hướng dẫn viên có thẻ (trong đó 33 thẻ đã hết hạn). Sở dự kiến có 228 hướng dẫn viên được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, kinh phí hỗ trợ là 845.880.000 đồng.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến