Dòng sự kiện:
Vô vàn sai sót thường gặp khiến 'mất điểm như chơi' trong bài thi
22/06/2018 19:30:30
Tô nhầm mã đề, quên khoanh đáp án từ giấy nháp vào đề thi, đối chiếu đáp án sai, làm tắt bước, không đọc kĩ đề… là những sai sót thí sinh thường gặp phải dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc.

Lỗi trong tô phiếu trắc nghiệm

Ông Nam Nhật Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Tuyển sinh, Bộ GDĐT cho biết: Thực tế quá trình chấm thi cho thấy có khoảng 1% thí sinh mắc lỗi trong làm bài thi trắc nghiệm. Trong đó, các loại lỗi kỹ thuật trong tô phiếu trắc nghiệm thường được tạo bởi sự thiếu cẩn trọng của chính thí sinh trong quá trình làm bài. Trong trường hợp này, thí sinh dễ dàng bị mất điểm hoặc mất bài thi chỉ vì “ẩu” trong cách thức tô đáp án hoặc số báo danh. Một số lỗi thường gặp như không tô số báo danh, tô nhầm dẫn đến số báo danh trùng nhau, tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được; không tô mã đề thi hoặc tô mã đề thi không đúng...

Bên cạnh đó, phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa quá mức dẫn đến không nhận biết được đáp án chính thức.

Quên khoanh đáp án

Quên khoanh đáp án từ giấy nháp vào bài thi cũng là một sai sót đã có nhiều thí sinh mắc phải. Vì thế, khi có đáp án hãy điền luôn vào bài thi, nếu có thay đổi sẽ điều chỉnh sau.

Các câu hỏi dễ thì làm đến đâu phải “ăn” chắc điểm đến đó, để không phải mất thời gian rà soát lại nữa mà chỉ nên rà soát lại những câu khó.

Mỗi câu hỏi có 4 đáp án cho thí sinh lựa chọn, thường sẽ có một đáp án sai hoàn toàn, một đáp án đúng 50%, một đáp án đúng 80%, một đáp án đúng 100%. Nếu thí sinh không biết đáp án chính xác ngay, có thể dùng phương pháp loại trừ để tìm câu trả lời đúng. Nếu vẫn phân vân, hãy đánh dấu để kiểm tra lại trước khi làm những câu khó và dài. 

Quên khoanh đáp án từ giấy nháp vào bài thi cũng là một sai sót đã có nhiều thí sinh mắc phải. 

Phân bố thời gian không đều

Điều này thường khiến thí sinh mất nhiều điểm nhất ở môn tự luận. Vì thế, thí sinh cần có phân chia thời gian hợp lí. Với những câu không làm được, đừng tốn thời gian băn khoăn về việc nên chọn đáp án nào vì khả năng chọn đáp án đúng cho mỗi câu là 25%. Phương án ít rủi ro nhất trong việc trả lời các câu hỏi này là chọn toàn bộ các câu còn lại với duy nhất một đáp án, đó là đáp án xuất hiện ít nhất trong các câu chắc chắn đúng.

10 câu hỏi cuối cùng thường sẽ là các câu hỏi vận dụng cao và cực khó. Thí sinh cần giữ tâm lí thoải mái vì đã xử lý được các câu hỏi cơ bản và vận dụng ở trên.

10 phút còn lại, thí sinh cần rà soát lại tất cả các đáp án mà mình đã giải và phiếu tô cho chính xác.

Hiểu sai ý câu hỏi

Thí sinh cần đọc kĩ câu hỏi để tránh mất điểm oan chỉ vì lướt nhanh, hiểu sai ý của câu hỏi. Một số lỗi khác cũng có thể gặp phải như vẽ sai hình, bỏ sót yêu cầu của bài toán dẫn đến giải thiếu ý, tính toán sai; nhớ nhầm công thức, khái niệm, định lý; trình bày quá vắn tắt, bỏ bước dẫn đến mất điểm.

Mất tinh thần vì đề khó

Thí sinh cần tránh tâm lí hoang mang, đừng quá lo lắng vì thấy đề quá khó bởi khó sẽ là khó chung, nếu dễ thì cũng là dễ chung. Vì thế, thí sinh không nên quá lo lắng, dẫn đến mất bình tĩnh trong quá trình làm bài và hiệu quả bài làm sẽ không cao. Điều quan trọng là làm đúng được nhiều nhất những gì trong đề so với mức độ kiến thức của mình.

Theo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến