Đà Nẵng:“Tình ngay lý gian” cho việc dọn vệ sinh rừng ở bán đảo Sơn Trà
23/08/2016 09:09:44
ANTT.VN - Phần lớn cây rừng là các loại gỗ tạp, gỗ thông thường từ nhóm V đến nhóm VIII, gần như không có giá trị thương mại. Do tác động của mưa bão, hàng loạt cây đã bị gãy đổ. Đó là kết quả được ghi nhận thực tế tại buổi kiểm tra đoàn liên ngành thành phố Đà Nẵng tại tiểu khu 63 bán đảo Sơn Trà ngày 11/08/2016.

Tin liên quan

Chủ rừng khẳng định chưa hề mang mẩu gỗ nào ra khỏi rừng

Qua thực địa thì được biết khu vực mà nhiều thông tin cho rằng diễn ra tình trạng phá rừng thuộc diện tích rừng trồng giao khoán cho nhóm hộ do ông Phạm Hùng Mạnh làm đại diện. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân tại khu vực này thì rất nhiều thông tin về việc cây rừng bị đốn hạ là chưa chính xác và khách quan.

Được biết, đặc điểm của rừng Bán đảo Sơn Trà là phần lớn cây rừng ở đây đều thuộc các loại gỗ tạp, gỗ thông thường từ nhóm V đến nhóm VIII, gần như không có giá trị thương mại. Nhiều cây gỗ có tuổi đời trên 15 năm là tự mục lõi, hoặc bị mối mọt xâm hại; Bên cạnh đó, hàng năm rừng Bán đảo Sơn Trà phải hứng chịu rất nhiều cơn bão lớn, hậu quả là rất nhiều cây bị gãy, đổ bật gốc.

Trao đổi với PV, ông Phạm Hùng Mạnh cho hay: trong quá trình bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, để tạo cảnh quan sinh thái, phòng chống cháy rừng, đảm bảo an toàn cho những du khách đến tham quan, tránh để những cây chết khô đổ, gãy rất dễ gây tai nạn, ông đã cho người vệ sinh, thu dọn một số cây gỗ đổ, gãy, cây chết đứng. Đối với một số cây đổ, gãy chắn ngang lối đi, ông Mạnh cho cắt khúc và xếp gọn ngàng cạnh đó. Tất cả các khúc gỗ đều còn nguyên ở tại hiện trường, các đoàn kiểm tra cũng đã đo đếm, ông chưa hề vận chuyển một khúc gỗ, thậm trí là một mẩu gỗ nhỏ nào ra khỏi rừng.

Hàng loạt cây trong diện kiểm tra bị mối mọt, gãy đổ do mưa bão

“Tôi đã đổ mồ hôi công sức, tiền bạc vào khu rừng này từ hàng chục năm nay. Chỉ cần suy xét khách quan thì mọi người đều hiểu tôi không hề có bất cứ động cơ nào để thu lợi từ những khối gỗ tạp đã gãy đổ mục nát, hầu như chỉ có tác dụng để làm… củi đun. Tôi mong dư luận cũng như các cơ quan chức năng cần đánh giá và soi xét một cách khách quan, công tâm”, ông Mạnh chia sẻ.

Thực nghiệm xác định hàng loạt cây bị gãy đổ mối mọt

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 04/2016, khi một số cơ quan truyền thông có đăng tải thông tin người dân phát hiện có người vận chuyển gỗ qua đường biển tại bãi bắc của bán đảo Sơn Trà. Qua đó, chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký công văn số 4609/UBND - KT2 gửi các cơ quan có liên quan về việc xử lý khai thác gỗ trái phép tại khu vực Trường Mai, tiểu khu 63, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, qua kiểm tra phát hiện 25 cây bị đổ có đường kính từ 15cm tới 143cm trong đó có 13 cây có tác động của con người.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 11/08 đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Đà Nẵng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường tại tiểu khu 63, bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.Ông Lê Mạnh Hùng, Phó chi cục trưởng, chi cục kiểm lâm TP. Đà Nẵng làm trưởng đoàn.

Tại thời điểm khám nghiệm hiện trường, trong bảng kê cây rừng bị thiệt hại đã khám nghiệm của Chi cục kiểm lâm TP. Đà Nẵng thể hiện các cây bị gãy đổ tự nhiên, bị mối mọt xâm hại, thân cây đã mục rỗng.

Đơn cử như tại cây khám nghiệm có số hiệu K20 thuộc nhóm gỗ VII, tọa độ khám nghiệm 560.18 - 1.784.728 đường kính chu vi 13 đã ghi nhận cây bị gẫy đổ tự nhiên, bị mối mọt xâm hại, chiều dài thân cây là 8,6m được cắt làm 3 đoạn, không lấy lâm sản, không mang ra khỏi hiện trường.

Ngoài ra, tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành cũng ghi nhận các cây bị gẫy đổ tự nhiên, được dọn dẹp lại, xếp đống cạnh hiện trường như các cây có số hiệu khám nghiệm K15, K16, K17, K18, K05…

Đồng thời đoàn kiểm tra ghi nhận tại hiện trường khối lượng gỗ được dọn dẹp, thu gom chất đống cách các gốc cây chặt từ 30 tới 50m.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Mạnh cho biết, qua các đợt kiểm tra số liệu gỗ các cây gãy đổ tự nhiên được dọn dẹp lại có sự bất nhất. Cụ thể ngày 18/1/2016 và ngày 11/3/2016 đoàn kiểm tra đều ghi nhận việc dọn dẹp cây và phát cỏ tầm thấp. Ngày 29/4/2016 đoàn liên ngành của TP. Đà Nẵng tiến hành kiểm tra khẳng định đây là những cây khô mục, mối mọt, không xác định được khối lượng. Tuy nhiên, ngày 17/5/2016, đoàn liên ngành kiểm tra xác minh lại xác định là phá rừng với số lượng 16 cây, khối lượng 63,4m3. Ngày 10/06/2016, tiếp tục có đoàn kiểm tra và xác minh lại thì xác định số cây tăng lên 25 cây, khối lượng tính còn lại 39,4m3.

Kết lại vấn đề, ông Mạnh khẳng định ông cũng đang chờ đợi kết quả từ buổi kiểm tra mới nhất vào ngày 11/8. Ông cũng mong rằng các cơ quan chức năng cần có cái nhìn khách quan, thấu tình đạt lý, đúng quy định của pháp luật.

Lại Hùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến