Dòng sự kiện:
Đổi mới quản trị là cốt lõi nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
20/11/2018 14:07:26
Chiều ngày 19/11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.

DNNN là công cụ quan trọng

Cho biết tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính chia sẻ mục tiêu của Hội nghị sắp tới là đánh giá việc triển khai Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII và Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó có các giải pháp thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh, quyết liệt và hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới DNNN, thực hiện tốt việc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại DN.

Cũng theo ông Tiến, qua một thời gian thực hiện, DNNN đã khẳng định là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

Ngoài ra, tiếp tục khẳng định CPH là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH, hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Dù tích cực song, theo đại diện Bộ Tài chính, tồn tại, hạn chế vẫn còn, tiến độ vẫn chậm. Trả lời câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân, ông Tiến cho rằng: Bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì các nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chính. Trong đó: Một số bộ, ngành, địa phương, DN còn chưa thực sự nghiêm túc trong triển khai kế hoạch, chấp hành chế độ báo cáo; vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt; một số DNNN chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPHlàm kéo dài thời gian thực hiện,...

Quang cảnh buổi họp báo chuyên đề tại Bộ Tài chính. (Ảnh: báo Chính phủ)

Quy trách nhiệm rõ hơn với người đứng đầu doanh nghiệp

Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp-Bộ Tài chính tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa có nhiều thay đổi trái chiều. 

Bên cạnh những doanh nghiệp tổng tài sản tăng, lợi nhuận tăng thì vẫn có doanh nghiệp phát sinh lỗ.

Cụ thể, có 35 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, một số doanh nghiệp cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng...

Như vậy có thể thấy, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty cổ phần XNK Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, có hiện tượng doanh nghiệp sau cổ phần hóa có chiều hướng hoạt động đi xuống.

”Có thể theo Luật quản lý vốn để  doanh nghiệp rà soát lại. Chế tài  xử lý thế nào đối với người đại diện phần vốn nhà nước đều được quy định rõ. Hơn ai hết các cổ đông và họp đại hội đồng cổ đông có quyền phế truất luôn. Ví dụ Công ty điện Quảng Ninh vừa qua khi hoạt động không hiệu quả, thua lỗ đã thay hết lãnh đạo", ông Đặng Quyết Tiến nói.

Trong khi đó ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Ban Đổi mới doanh nghiệp cho rằng, DNNN mạnh yếu hay không, căn cứ nhiều tiêu chí, lợi nhuận. Năm 2016 - 2017, DNNN có tăng trưởng các mặt tiêu chí, tăng vốn lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước, và nếu so sánh với các khối doanh nghệp khác thì DNNN giữ vai trò quan trọng làm công tác chính sách xã hội hoặc cứu trợ khó khăn… là những thực tế không chối bỏ được.

“Mục tiêu của chúng ta là đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN trọng tâm Tập đoàn, Tổng công ty đòi hỏi phải có sự đổi mới. Trong đó là thay đổi cơ chế quản trị, thay đổi điều hành sản xuất kinh doanh bảo đảm minh bạch công khai, nâng cao hiệu quả hoạt động hiệu quả hơn, tương xứng nguồn lực các DN đã có”, ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.

Còn theo phân tích của ông Đặng Quyết Tiến, trong quá trình cổ phần hóa, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước. Một số DNNN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

“Bộ Tài chính chỉ là ngang cấp kiến nghị thanh tra, kiểm toán, chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính, biện pháp công khai thông tin trước công luận và lãnh đạo doanh nghiệp phải giải trình trước lãnh đạo Chính phủ cũng là sức ép quan trọng với người đứng đầu doanh nghiệp không làm tốt”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Để thúc đẩy công tác này trong thời gian tới, tại Hội nghị ”Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN” sẽ diễn ra trong ngày 21/11 tới đây, Bộ Tài chính sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp căn bản để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Trong đó nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình sắp xếp, CPH, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN và DN có vốn nhà nước. Bên cạnh đó, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các DN đã CPH thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật,…

Đặc biệt, kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước; định kỳ công bố công khai thông tin về CPH, thoái vốn DNNN làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến