Dòng sự kiện:
Làng lụa Nha Xá bất bình trước việc Khaisilk nhập nhèm nhãn mác Trung Quốc
28/10/2017 05:20:11
Người dân làng lụa trăm tuổi Nha Xá (Hà Nam) tỏ ra vô cùng bất ngờ và cho biết việc Khaisilk nhập nhèm nhãn mác lụa tơ tằm là lừa dối khách hàng chỉ vì mục đích lợi nhuận.

Những ngày qua, thông tin ông Hoàng Khải – Chủ thương hiệu tơ tằm nổi tiếng Khaisilk thừa nhận bán lụa nguồn gốc Trung Quốc đang khiến dư luận xôn xao. Điều mọi người đặc biệt quan tâm là thương hiệu này luôn quảng cáo bán hàng Việt Nam, tuy nhiên khi sự việc vỡ lở thì người đứng đầu thương hiệu thừa nhận bán 50% là hàng Trung Quốc, 50% nhập từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu là làng Nha Xá ( xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam).

Để tìm hiểu thông tin này, chúng tôi đã tìm về làng lụa Nha Xá, nơi có truyền thống hàng trăm sản xuất lụa tơ tằm.

Làng lụa Nha Xá nơi có 150 hộ kinh doanh và sản xuất lụa tơ tằm truyền thống.

Tiếp phóng viên, ông Trần Tuấn, một hộ kinh doanh và sản xuất lụa tơ tằm Nha xá cho biết, từ rất nhiều năm trước (khoảng 20 năm), có một người làm lụa trong làng Nha Xá chuyên bán sản phẩm cho một thương nhân trên phố Hàng Gai. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng mua hàng của người này còn rất ít, gần như là không nhập nữa.

Ông Tuấn tỏ ra bất ngờ trước thông tin ông Hoàng Khải cho biết sản phẩm của thương hiệu Khaisilk nhập chủ yếu tại làng lụa Nha Xá.

“Gia đình tôi thì chưa bao giờ bán hàng cho Khaisilk”– ông Tuấn cho hay.

Tiếp tục tìm hiểu thông tin từ Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh lụa Nha Xá, ông Nguyễn Tiến Quảng - Chủ tịch Hiệp hội cho biết: Trong hiệp hội không quản lý tất cả các sản phẩm cá nhân mà những sản phẩm tơ lụa làm ra đều  do các cá nhân trong làng tìm đối tác.  Hiện Nha Xá có 150 hộ kinh doanh các mặt hàng tơ lụa với gần 400 máy dệt.

Bà Nguyễn Thị Bích bất ngờ trước thông tin Khaisilk nhập nhèm nhãn mác, nguồn gốc Trung Quốc.

“Trước đây, tại làng Nha Xá có người kinh doanh bán lại tơ lụa cho ông Hoàng Khải nhưng chỉ là phần nhỏ. Chủ yếu, các hộ dân nơi đây đều bán lụa cho thị trường ở Sài Gòn, Hội An (Quảng Nam), Hà Đông hay xuất khẩu nước ngoài”, ông Quảng nói.

Nói về thông tin ông chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận bán lụa Trung Quốc, ông Quảng cho hay:“Việc này không chỉ ảnh hướng tới Khaisilk mà còn ảnh hưởng tới những người làm nghề chân chính như chúng tôi. Chúng tôi mong cơ quan chức năng làm rõ hơn để trả lại công bằng cho người dân làng nghề vì người dân rất vất vả, lợi nhuận rất nhỏ”.

 

Chồng bà Bích cho biết mỗi thếp khăn lụa nhập gốc có giá 150 nghìn đồng/chiếc.

Tiếp tục tìm hiểu một hộ sản xuất lụa tơ tằm trong làng, bà Nguyễn Thị Bích (54 tuổi), người có thâm niên 30 năm sản xuất lụa truyền thống tại làng Nha Xá cho biết, bản thân bà cũng như nhiều người dân ở làng nghề vô cùng bất ngờ trước thông tin Khaisilk nhập chủ yếu lụa từ Nha Xá.

“Từ những năm 90 của thế kỷ trước, làng lụa Nha Xá có một số hộ gia đình bán cho anh Hoàng Khải. Thế nhưng vài năm trở lại đây thì tôi thấy Khaisilk không thu mua lụa ở đây nữa” - Bà Bích cho biết.

Nói về giá bán một chiếc khăn nhập từ làng Nha Xá, bà Bích cho biết mức giá gốc là 150 nghìn đồng/chiếc. Còn nhập sang nước ngoài, khách đặt thì có giá 54 đô la tương đương với 1,2 triệu đồng.

Với sản phẩm nhập sang nước ngoài có giá 54 đô la tương đương với 1,2 triệu đồng.

Trong một động thái liên quan, hôm nay (27/10), Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời báo chí về sự việc của Khaisilk.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Đối với các hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ luôn tạo điều kiện tốt nhất trong việc phát triển thị trường, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các hoạt động đó phải đáp ứng, tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là nguyên tắc cơ bản mà các doanh nghiệp đều phải thực hiện.”

Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, hoạt động của doanh nghiệp ngoài yêu cầu của luật pháp thì phải dựa trên nền tảng đạo đức, văn hóa, nhất là văn hóa doanh nghiệp, người tiêu dùng. Qua vụ việc của Khải Silk có thể thấy những dấu hiệu vi phạm cả luật pháp cũng như là nền tảng đạo đức doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, các cơ quan quản lý, chức năng của cục Quản lý thị trường, cục Quản lý cạnh tranh và của TP.Hà Nội đang tiến hành xác minh, làm rõ đối với các hoạt động vi phạm của doanh nghiệp Khải Silk.

"Chắc chắn, các cơ quan chức năng sẽ có báo cáo sớm, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

“Sơ bộ chúng ta nhận thấy, như báo chí phản ánh doanh nghiệp có hành vi lừa dối người tiêu dùng, sử dụng hàng hóa có xuất xứ không đúng với thông tin về sản phẩm, thương hiệu sản phẩm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và cũng làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt, của doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam chúng ta”,-Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến