Dòng sự kiện:
Lật tẩy chiêu trò 'cò' chạy việc ở Huế: 'Bình mới, rượu cũ?
27/03/2018 08:33:33
Cơ quan chức năng đã liên tục vạch trần bộ mặt lừa đảo của các 'cò' chạy việc, thế nhưng hàng năm, không ít người nhà sinh viên vẫn phải nếm 'trái đắng'…

Nhu cầu tìm kiếm việc làm của những sinh viên sau khi ra trường luôn bức thiết và trở thành một điều kiện cần trên con đường lập thân lập nghiệp. Nắm bắt được nhu cầu đó, không ít kẻ bằng các chiêu trò đã lợi dụng lòng tin của những sinh viên nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ở Thừa Thiên – Huế, lượng sinh viên ra trường hàng năm rất đông và ai cũng muốn có một công việc ổn định ở các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, không lạ khi nơi đây xuất hiện nhiều đối tượng làm "cò" đứng làm trung gian xin việc làm.

Trong đó, nhiều kẻ đã bị người nhà của sinh viên đi xin việc đứng ra tố cáo về việc chiếm đoạt tiền "móc nối" và bị cơ quan công an bắt giữ.

Mới đây nhất, vào hồi tháng 6/2017, CQĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khởi tố, bắt tạm giam nghi phạm Nguyễn Linh Lan (47 tuổi), trú đường Phan Chu Trinh, TP Huế  về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Nguyễn Linh Lan tại cơ quan công an. (Ảnh: Thái Sơn)

Theo đó, lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của nhiều gia đình, bà Lan đã tự nhận mình có thể xin việc tại các sở ban ngành như Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Bệnh viện Trung ương Huế với mức giá từ 150 - 300 triệu đồng/suất. Với hành vi này, Lan đã lừa được nhiều người trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, CQĐT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã triệt phá một số đường dây "cò" chạy việc khác, trong đó có Bùi Thị Quỳnh Hoa (60 tuổi), trú ở đường Phan Bội Châu, TP Huế.

Theo đó, từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016, Hoa đã nhận tiền xin việc của 20 người, với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Để chạy vào công chức, viên chức, Hoa "ra giá" từ 60 - 100 triệu đồng; riêng xin vào ngành Công an, Hoa lấy 300 triệu đồng/suất và hứa sau 3 - 4 tháng đặt tiền thì sẽ có việc.

Đến thời hạn giao hẹn nhưng chưa có việc làm, nhiều người đến gặp Hoa đòi tiền lại nhưng đối tượng "làm lơ" và các nạn nhân chỉ còn biết làm đơn trình báo cơ quan công an.

Tương tự một trường hợp khác là Phan Thị Thùy Trang (35 tuổi)  trú đường Mai Thúc Loan, TP Huế. Từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2016, Trang ra giá từ 80 - 160 triệu đồng/trường hợp để chạy việc. Trên thực tế, Trang đã chiếm đoạt của 22 người với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng mà không xin được việc cho bất cứ trường hợp nào.

Hay Lê Thị Kim Cúc (58 tuổi), trú tại ở đường Nguyễn Trường Tộ, phường Phước Vĩnh, TP Huế. Cúc là một giáo viên về hưu, tự giới thiệu mình có thể xin được việc làm vào các cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện. Bình quân mỗi suất xin việc làm, các nạn nhân đã gửi cho Cúc từ 60 - 180 triệu đồng. Hiện, nữ quái này đã "ôm" hơn 1,5 tỷ đồng và bỏ trốn.

Đối tượng Hoa và Cúc.

Mặc dù, nhiều nạn nhân đã phải "tiền mất tật mang", nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng phanh phui, vạch trần bộ mặt lừa đảo của những kẻ đứng ra xin việc giùm nhưng hàng năm, trước tình trạng thất nghiệp gia tăng, không ít người nhà sinh viên vẫn phải nếm "trái đắng" của "cò" chạy việc.

Nguyên nhân do đâu? Do bức thiết nhu cầu công việc ngày càng tăng hay những chiêu trò thủ đoạn của các đối tượng "cò" ngày càng tinh vi, gian xảo?

Nhiều nạn nhân của "cò" chạy việc chia sẻ, những người đứng ra trung gian xin việc thường được người khác giới thiệu, nếu không chúng sẽ tự tìm đến khi người cần việc đã nộp đơn vào nơi đang xét tuyển.

Nhằm xác tín chia sẻ trên và lật tìm những thủ đoạn của "cò" chạy việc, PV ANTT đã liên hệ và cùng đồng hành với một sinh viên tên Diệu Anh (tên nhân vật đã được thay đổi) vừa mới ra trường đang chuẩn bị dự thi viên chức vào một sở ban ngành ở Thừa Thiên – Huế.

Vào ngày 25/12/2017, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế phát đi thông báo xét tuyển viên chức lần 2 nhằm tuyển 2 vị trí gồm: 1 chuyên viên làm việc tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, 1 chuyên viên làm việc ở Trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử.

Sau khi nhận được thông báo, vào ngày 2/1/2018, Diệu Anh đã tới mua hồ sơ viên chức tại Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đến ngày 5/1, cô gái này đi nộp hồ sơ dự tuyển tại văn phòng của Sở Thông tin và Truyền thông với lệ phí tham dự xét tuyển là 400.000 đồng.

Trong thời gian chờ đợi lịch xét tuyển thì vào ngày 18/1, Diệu Anh nhận được cuộc điện thoại từ số điện lạ của 1 người phụ nữ tự xưng đang làm việc ở một bệnh viện trên địa bàn TP Huế và người nhà bên Sở, nơi Diệu Anh đang nộp đơn xét tuyển.

Theo ghi âm cuộc gọi Diệu Anh cung cấp cho PV, người phụ nữ này cho hay, biết Diệu Anh đang cần việc nên "cô gọi để giúp đỡ". Người này cho biết, vị trí mà Diệu Anh đang nộp đơn xét tuyển là suất giành cho 1 người cháu có quan hệ bên Sở Nội vụ nhưng người cháu này đã xin việc vào Đà Nẵng nên nay còn trống.

"Cô biết cháu đang có nguyện vọng nên liên lạc… Chỉ cần 150 triệu là 90% trúng tuyển, không trúng cô trả lại tiền. Cô là người nhà quen biết bên Sở nên mới có cái giá đó, người ngoài là 200 - 300 triệu đấy…", người phụ nữ nói qua điện thoại.

Để tạo sự tin tưởng, người phụ này đã hẹn Diệu Anh tại nhà riêng trên đường Đặng Huy Trứ, TP Huế vào tối ngày 19/1. Để nắm rõ sự việc, trong vai người nhà, PV đã cùng Diệu Anh đến gặp người phụ nữ lạ này…

(Còn nữa)

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến